Ưu đãi thuế: Khoảng cách giữa chính sách và thực thi

 Ghi nhận từ phản ánh của DN tại Hội thảo thuế 2014 do E&Y Việt Nam và CLB Giám đốc tài chính Việt Nam tổ chức cho thấy các chính sách thuế đã thay đổi một cách đáng kể, nhưng việc thực thi còn nhiều khiếm khuyết. 

Ưu đãi thuế: Khoảng cách giữa chính sách và thực thi

ĐTCK đã có trao đổi với bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc E&Y Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, năm 2014, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách thuế hỗ trợ DN. Sau gần 1 năm thực thi, bà đánh giá thế nào về những chính sách này?

Phải nói là thời gian qua, chính sách thuế đã thay đổi một cách đáng kể, từ Nghị quyết 63 đến Nghị định 91 rồi Thông tư 151, sự hỗ trợ của chính sách thể hiện ở nhiều sắc thuế như thuế TNDN, thuế GTGT, thuế TNCN, ưu đãi cho đầu tư… Song song đó là việc cắt giảm thời lượng thực hiện thủ tục hành chính cũng như đơn giản hóa tài liệu kê khai thuế. DN chỉ phải kê khai thuế TNDN vào cuối năm, các quý thì tự nộp. Phần lớn các DN được kê khai thuế GTGT theo quý, thay vì theo tháng như trước đây.

Chúng ta thấy, Chính phủ đã nhìn nhận các chính sách thuế như là một biện pháp để khuyến khích DN đầu tư nhiều hơn, như ưu đãi thuế cho đầu tư mở rộng, ngay cả đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2009 - 2013 cũng được hưởng ưu đãi theo dự án hiện tại áp dụng cho thời gian còn lại.

Theo bà, liệu có những hạn chế nào trong các chính sách thuế mới này?

Thực ra, với cả thuế TNDN, thuế TNCN hay GTGT đều có những vướng mắc nhất định, mà DN hoặc là phải lưu ý hoặc là phải kiên trì trình bày để các cơ quan quản lý thuế thấu hiểu. Nhưng cũng có rất nhiều vướng mắc không dễ tìm được tiếng nói chung với cơ quan quản lý.

Chẳng hạn, với ưu đãi đầu tư, thông thường khi DN thực hiện dự án đầu tư thì tổng vốn đầu tư bao gồm hai phần là vốn điều lệ (hay còn gọi là vốn góp) và vốn vay. Trên thực tế, do việc vay vốn khó khăn, nhiều DN phải chờ công ty mẹ góp thêm vốn. Phần vốn góp thêm này vẫn nằm trong tổng vốn đầu tư đã đăng ký của DN. Thực chất, đây chỉ là sự thay đổi trong cơ cấu vốn đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan thuế không thừa nhận bản chất của sự thay đổi cơ cấu vốn mà cho rằng, nhà đầu tư góp thêm vốn tức là đầu tư mở rộng và không chấp nhận áp dụng ưu đãi thuế cho phần thu nhập tăng lên tương ứng với phần vốn đầu tư được góp thêm.

DN thông thường phát sinh khoản chi phí không bằng tiền là khoản chi phí khấu hao. Mục đích của việc trích khấu hao là để DN tích lũy cho mục đích tái tạo, đổi mới tài sản. Nhưng đến khi DN mua thêm tài sản thì cơ quan thuế có quan điểm cho rằng, đây là khoản đầu tư mở rộng, bất kể nguồn vốn cho việc đầu tư này được bắt nguồn từ đâu. Trong khi, thực tế DN có thể dùng nguồn tiền từ việc trích khấu hao để mua tài sản.

Đây là một quan điểm rất vô lý bởi khấu hao thực chất là chi phí, thế nhưng đến nay cộng đồng DN vẫn chưa thuyết phục được nhà quản lý.

Quá trình thực thi, theo bà, khó khăn, vướng mắc nhiều nhất với DN là gì?

Theo tôi, chính sách đã rất ủng hộ DN rồi, nhưng còn cách triển khai, khó khăn vẫn là ở khâu thực thi. Vừa qua, Thủ tướng và các Bộ trưởng đã vào cuộc một cách quyết liệt để tháo gỡ cho DN, đặc biệt là thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, cán bộ thuế có thói quen quản lý sợ gian lận, phải biết hết thông tin, bởi ở góc độ nào đó, điều này giúp họ an toàn trước các đợt kiểm tra. Điều này dẫn đến, nhiều khi cán bộ thuế đòi hỏi cả những giấy tờ không có trong văn bản pháp quy. Với họ, phải đảm bảo an toàn nghề nghiệp trước khi nghĩ đến đơn giản thủ tục cho DN. Vô hình chung họ gây ra lỗi cho hệ thống. Nhưng con người, cán bộ thuế ở địa phương không phải một sớm một chiều thay đổi ngay. Rõ ràng là cần thời gian.

Ngoài chính sách ưu đãi hiện tại, ngày 26/11 này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế. Theo bà, Luật này có tác động ra sao với DN.

Đây là luật được sửa đổi theo trình tự rút gọn nhằm tạo ra sự đồng bộ và tiết kiệm thời gian, một luật sửa nhiều luật và nó sẽ có tác động rất tích cực đối với DN. Chẳng hạn, trước đây DN chỉ được hưởng ưu đãi với điều kiện đang trong thời gian hưởng ưu đãi. Nhưng với luật mới này thì dù từ trước đến nay DN không được ưu đãi, nhưng nếu theo luật mới DN được hưởng ưu đãi thì DN vẫn được ưu đãi cho thời gian còn lại. Hoặc là trước đây đầu tư vào khu công nghiệp, DN không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, nhưng đến nay các DN đầu tư vào khu công nghiệp cũng được hưởng ưu đãi.

Chính sách này sẽ tác động đáng kể tới nhà đầu tư, bởi nhiều nhà đầu tư cũng rất muốn vào khu công nghiệp, vì hạ tầng, dịch vụ, tiện ích đầy đủ mà cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn.

Tóm lại, để chủ trương của Chính phủ thực sự phát huy tác dụng, cần phải có sự đồng bộ cả chính sách và khâu thực hiện.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}