Việt Nam cần mở rộng diện áp dụng cơ chế hải quan xác định trước

Chiều hôm qua (28/10), trong một trao đổi với báo chí, ông Adrian Ball, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn thuế của EY Đông Nam Á cho rằng Việt Nam cần mở rộng diện áp dụng cơ chế hải quan xác định trước.

Việt Nam cần mở rộng diện áp dụng cơ chế hải quan xác định trước
Cơ chế xác định trước là cơ chế giúp doanh nghiệp xác định trước mã số hàng hóa, giá trị tính thuế, xuất xứ hàng hóa trước khi nhập khẩu một mặt hàng nào đó vào Việt Nam.
Chính sách này được đưa ra từ tháng 11/2013, theo đó, DN cần phải nộp một hồ sơ cho cơ quan hải quản trước khi hàng hóa cập cảng ở Việt Nam 90 ngày. Nhờ đó, cơ quan hải quan và DN có được sự thống nhất về số thuế phải nộp. Điều này giúp DN tránh được rủi ro hàng hóa bị ách tắc, số thuế phải nộp nhiều hơn dự kiến hoặc là nguy cơ bị truy thu thuế, phạt nặng.

Hàng hóa có thể được thông qua và bị kiểm tra trong thời gian 1 – 3 năm sau, nếu cơ quan hải quan cho rằng có căn cứ truy thu thuế thì doanh nghiệp có thể bị phạt rất nặng, lên đến 20% số tiền thuế khai thiếu. Ngay cả khi DN chủ động nộp số thuế còn thiếu trước khi bị kiểm tra thì cũng bị phạt 10%. Nhiều khi số tiền thuế truy thu và phạt có thể lên tới hàng triệu USD.

“Cơ chế này sẽ là nền tảng giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại quốc tế. Đó là chính sách cần được khuyến khích ở Việt Nam” – ông Adrian Ball nói.

Thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cơ chế này chưa thực sự hiệu quả và rằng chính sách không được áp dụng với mọi doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế EY Việt Nam cho hay ghi nhận của EY từ phản hồi của các doanh nghiệp thì đến nay, chưa có một hồ sơ xác định trước nào được chấp nhận.

Nguyên nhân, theo các chuyên gia của EY là Việt Nam đã đặt ra quá nhiều điều kiện “bất khả thi”. Cơ chế xác định trước về mã số, giá trị tính thuế, xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu được đánh giá là tạo thuận lợi cho DN và giảm bớt rủi ro. Nhưng việc triển khai lại là vấn đề khác.

Theo bà Phạm Thị Thu Trang, điều kiện đầu tiên là DN sẽ phải nộp hồ sơ xin xác định trước 90 ngày hàng hóa cập cảng, trong thời gian 90 ngày đó, DN phải có hợp đồng chính thức, có dấu đỏ. Không phải lúc nào DN cũng quyết định các giao dịch xuất nhập khẩu trước tận 3 tháng. Do đó diện giao dịch được áp dụng xác định trước bị hạn chế rất nhiều. Nếu hợp đồng được ký trong thời gian ngắn thì không được chấp nhận.

Tương tự, về xác định giá trị tính thuế, cơ chế xác định trước chỉ chấp nhận những hàng hóa mà DN chưa từng nhập khẩu trước đó, phải là hàng hóa mới. Và DN buộc phải thanh toán bằng L/C từ khi nộp hồ sơ, tức là trước 90 ngày hàng nhập cảng!

“Tiếp đó, về xuất xứ hải quan, cơ chế này chỉ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, nhưng xuất xứ của hàng nhập khẩu sẽ do nước xuất khẩu đưa ra, giờ đây nếu nước nhập khẩu cũng đưa ra xuất xứ thì liệu có phù hợp?” – bà Trang đặt vấn đề.

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế ông Adrian Ball, Lãnh đạo Dịch vụ thuế và tư vấn của EY Khu vực Đông Nam Á cho biết ở các nước như Mỹ, EU hầu như không có điều kiện đặt ra đối với diện hàng hóa được áp dụng cơ chế xác định trước. Cơ bản các nước đều hướng theo tinh thần của WTO, theo đó, giảm thiểu tối đa các điều kiện.

“Quan trọng nhất là việc xác định dựa trên việc đó là một công ty thực sự đang hoạt động và dựa trên một giao dịch có thật” – ông Adrian Ball nói.

Với chế tài phạt nặng trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu, cơ chế xác định trước sẽ giúp DN hạn chế rất nhiều rủi ro và do đó “cộng đồng DN mong muốn Chính phủ sẽ mở rộng diện áp dụng cơ chế xác định trước” – bà Phạm Thị Thu Trang cho biết.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}