7 tháng, tăng trưởng 3,4%, tín dụng báo động cấp mấy?

 Dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm lãi suất cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn, song đi qua hơn nửa thời gian của năm 2014, tín dụng vẫn tăng rất chậm chạp. 

7 tháng, tăng trưởng 3,4%, tín dụng báo động cấp mấy?

Trước thực tế này, không ít chuyên gia lo ngại ngành ngân hàng có thể không cán đích tăng trưởng tín dụng 12 - 14%.

Tăng trưởng tín dụng tháng 7 âm?

Báo cáo kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 8/2014 của HSBC nhấn mạnh đến vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp trong tháng 7 vừa qua và dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 có thể chỉ đạt 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo cao cấp trong hệ thống ngân hàng ước tính, đến 31/7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 3,4% so với cuối năm 2013, thấp hơn so với mức cuối tháng 6 là 3,52%. Có nghĩa là, trong tháng 7 vừa qua, tín dụng vào nền kinh tế chẳng những không tăng mà còn giảm đi.

Tín dụng tiếp tục tăng trưởng thấp trong hơn nửa đầu năm nay đã được dự báo trước. Hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN vẫn tiếp tục khó khăn trước bối cảnh tổng cầu thấp, sức mua yếu, hàng tồn kho tăng lên, khả năng hấp thu vốn yếu. 7 tháng đầu năm, số DN phải giải thể, phá sản lên tới 37.612 DN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Số còn lại cũng đang chật vật để giải quyết bài toán tồn kho đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, số DN thành lập mới trong 7 tháng qua chỉ đạt 42.398 DN, giảm 7% so với cùng kỳ.

Tín dụng bí đầu ra, vốn ứ, các ngân hàng phải đẩy vốn vào kênh trái phiếu chính phủ (TPCP) và tín phiếu NHNN, cho dù lợi suất TPCP ngày càng giảm. Lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm trong phiên giao dịch tuần trước đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 5,25%/năm và dự báo có thể giảm tiếp trong tuần này, tiếp cận mức lãi suất trên thị trường mở (OMO) là 5%/năm.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, trong một thời gian dài, các ngân hàng rất tích cực đầu tư vào TPCP. Tuy nhiên, nếu tập trung vào TPCP cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm sút.

Tăng trưởng tín dụng thấp: có thực sự đáng lo?

Trên thực tế, các ngân hàng đã và đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vì hoạt động này vẫn đóng góp khoảng 80% tổng lợi nhuận của các nhà băng . Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ giải trong bối cảnh “sức khỏe” nhiều DN sa sút đến mức kiệt quệ như hiện nay. Nếu chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, ngân hàng sẽ phải đối diện với nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Có cái nhìn khá tích cực về việc tín dụng tăng trưởng thấp, ông Đinh Đức Quang cho rằng, tín dụng đang đi vào thực chất và các ngân hàng đang tập trung vào việc rà soát danh mục khách hàng, danh mục đầu tư theo hướng tiếp cận các chuẩn mực về quản trị rủi ro và hiệu quả cho vay, đầu tư, chứ không chạy theo tăng trưởng “nóng”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại tăng trưởng tín dụng thấp có thể là thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc mở rộng đầu tư.

Báo cáo của HSBC cũng đưa ra con số, năm 2013, tổng dư nợ của nền kinh tế tương đương với khoảng 97% GDP, giảm đáng kể so với năm 2010, khi mà con số này đạt đỉnh điểm là bằng 115% GDP sau hàng thập kỷ tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm đạt tới 31% (1991 – 2010).

Báo cáo của HSBC cũng phân tích: “Có mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP danh nghĩa, khi Chính phủ nỗ lực đưa Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng, tăng trưởng có thể chậm lại trong quá trình thay đổi này... Bên cạnh đó, cũng có mối liên hệ mật thiết giữa lạm phát toàn phần và tăng trưởng tín dụng theo năm. Áp lực lạm phát sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng bơm vào nền kinh tế. HSBC không trông đợi tín dụng sẽ tăng mạnh trong hai năm tới khi Chính phủ nỗ lực chấm dứt những đầu tư lãng phí đối với những khu vực hoạt động không hiệu quả”.

Nhuệ Mẫn

{fcomment}