Nếu trước đây, một khoản vay ODA mất chi phí khoảng 1% thì nay hầu hết đều tăng lên 2% và thời hạn vay ngắn hơn, kéo theo áp lực trả nợ nặng nề hơn.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 23/3, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chia sẻ nhiều về cái giá đắt đỏ khi đi vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và coi đó như một vấn đề mà ngân sách Nhà nước đang đối mặt.
Ông cho biết, từ khi Việt Nam thành nước thu nhập trung bình, vốn ưu đãi cũng giảm theo. Chi phí vốn trước đây chỉ khoảng 1% thì nay gấp đôi, cỡ khoảng 2%. "Trước đây được vay 30-40 năm thì nay chỉ khoảng 20-25 năm, nhiều tài trợ thậm chí chỉ 15 năm".
Bộ Tài chính sẽ rà soát lại việc sử dụng vốn ODA tại các địa phương. Ảnh: Bá Đô. |
Không chỉ chi phí vay đắt đỏ mà áp lực trả nợ đang tăng nhanh gấp đôi. Theo ông Long, điểm rơi trả nợ nhiều nhất của Việt Nam vào khoảng năm 2022-2025. Trước đây thời gian vay bình quân khoảng 40 năm nhưng hiện nay bình quân khoảng 12,5 năm. "Hiện Việt Nam có chương trình làm việc với WB đàm phán phương án hạn chế tác động trả nợ nhanh tới ngân sách Nhà nước và chủ dự án, tránh sốc", ông Long nói.
Những thay đổi trên theo ông Long đặt trong bối cảnh khi tới tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chấm dứt ODA với Việt Nam, khiến việc huy động vốn thêm khó khăn. Sau WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác có thể sẽ chuyển dần dòng vốn vay và Việt Nam sẽ không còn tiếp cận vốn ODA ưu đãi như trước nữa.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, trong khoản 15 tỷ USD vốn ODA dành cho địa phương, có tới 92,2% là cấp phát và chỉ 7,8% là khoản cho vay lại. Để khắc phục tình trạng vốn ODA như "cho không" các địa phương, sắp tới Bộ Tài chính sẽ chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay lại ODA và được cấp phát rõ ràng.
Cụ thể, sẽ có 3 nhóm các địa phương còn khó khăn, phải nhận trợ cấp của Nhà nước và 2 nhóm các nơi có thể điều tiết lại ngân sách Nhà nước. Các tỉnh khó khăn nhất theo ông Long sẽ được áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA chỉ là 10% và vẫn cấp phát khoảng 90%. Một số địa phương khác "khá hơn" sẽ có tỷ lệ vay lại khoảng 20-30%. Với địa phương dồi dào hơn thì có thể áp dụng cơ chế 50-50, tức là Nhà nước hỗ trợ 50%, địa phương tự vay lại 50%. Riêng với Hà Nội, Sài Gòn dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 80-20, đồng nghĩa Nhà nước hỗ trợ 20%, địa phương tự vay lại 80%.
Nguồn Vnexpress
-
Những điều `không giống ai` ở Việt Nam
-
Căn bệnh khoảng 20% người Việt mắc nhưng hầu hết đều tự chữa, bác sĩ cảnh báo hệ quả kinh hoàng
-
Giá xăng có thể giảm 200-300 đồng/lít
-
Gặp khó, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn vững bước
-
Tháng 6, lãi suất ngân hàng Agribank có gì thay đổi?
-
Nhập khẩu ô tô ồ ạt, các nhà máy của Việt Nam liệu còn sản xuất?
-
Nữ sinh viên bị tạt axit ở Sài Gòn có nguy cơ mù mắt
-
Nhà ở xã hội sẽ bị căn hộ thương mại… đè chết?
-
Nhiều trường đại học kém sức hút
-
Xử vụ thủ quỹ “chôm” tiền của Ngân hàng ACB