Cơn hỗn loạn của tiền mã hóa có khiến kinh tế Mỹ suy thoái?

Sau nhiều đợt bán tháo kéo vốn hóa chia thành 3 lần, giới đầu tư tiền mã hóa đang dấy lên lo ngại thị trường crypto sẽ gây ra một cuộc suy thoái tại Mỹ.

Theo CNBC, trong bối cảnh giá tiền mã hóa lao dốc, hàng loạt công ty phải sa thải nhân viên và một số tên tuổi dẫn đầu ngành đối mặt nguy cơ phá sản, thị trường crypto sẽ còn chứng kiến nhiều thiệt hại hơn nữa.

Sự hỗn loạn đã bao trùm tâm lý hoảng sợ lên toàn thị trường. Sau nhiều đợt bán tháo, vốn hóa toàn thị trường đã bốc hơi hơn 2.000 tỷ USD chỉ trong vài tháng, xóa sạch khoản tiết kiệm cả đời của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn coi crypto là kênh lưu trữ an toàn.

Ngoài ra, dưới bức tranh kinh tế toàn cầu tồi tệ, nhiều nhà đầu tư tin rằng làn sóng bán tháo này có thể mở rộng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

Không bị gán với nợ

Vốn hóa toàn thị trường crypto tính đến ngày 19/6 đã rơi xuống mốc 867 tỷ USD, thấp hơn một nửa vốn hóa của hãng công nghệ Apple. Song, nếu so với giá trị GDP (21.000 tỷ USD) và thị trường bất động sản (43.000 tỷ USD) của Mỹ, con số này không đáng là bao.

Goldman Sachs ước tính người dân Mỹ nắm giữ 1/3 thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 16% người trưởng thành ở Mỹ đã đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng tiền mã hóa.

Dẫu có mức độ tiếp xúc lớn, giới chuyên gia cho rằng tiền mã hóa vẫn khó tác động đến nền kinh tế Mỹ do bản chất không bị ràng buộc bởi nợ.

Tiền mã hóa không thể được đem ra làm thế chấp do tính biến động cao. Ảnh: DataDriven.

“Người dân không sử dụng tiền mã hóa làm tài sản thế chấp cho các khoản nợ trong thế giới thực. Do đó, mức độ thiệt hại chỉ thể hiện trên mặt ‘giấy tờ’. Đây chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong danh sách những vấn đề đối với nền kinh tế”, Joshua Gans, nhà kinh tế tại Đại học Toronto, cho biết.

Mối quan hệ giữa tiền mã hóa và nợ là yếu tố mấu chốt. Đây là lý do vì sao Gans cho rằng thị trường crypto đơn thuần là một góc nhỏ của nền kinh tế.

Với hầu hết loại tài sản truyền thống, giá trị của chúng thường duy trì sự ổn định trong một giai đoạn thời gian. Vì vậy, tài sản sở hữu thường được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay tiền.

“Sự biến động quá lớn của tiền mã hóa khiến chúng không được dùng để mua tài sản trong thế giới thực, tài sản tài chính truyền thống hoặc làm thế chấp cho vay. Người dùng có sử dụng tiền mã hóa để vay mượn các loại tiền mã khác, nhưng phạm vi vẫn giới hạn trong thế giới crypto”, Gans giải thích.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như MicroStrategy. Công ty này đã thực hiện một khoản vay thế chấp Bitcoin trị giá 205 triệu USD vào tháng 3 với ngân hàng tiền số Silvergate. Nhưng nhìn chung, các khoản vay thế chấp vẫn xoay quanh phạm vi trong ngành.

Mức độ thiệt hại nhỏ

Theo một nghiên cứu của Morgan Stanley, hoạt động cho vay tiền mã hóa chủ yếu diễn ra giữa các công ty và nhà đầu tư cá nhân. Do đó, rủi ro lan tỏa từ thị trường tiền mã hóa đối với hệ thống ngân hàng sử dụng USD có thể bị hạn chế.

Dù là nhà đầu tư mạo hiểm ủng hộ Bitcoin và nhiều loại altcoin khác, ông Kevin O’Leary cho rằng hầu hết tổng công ty nắm giữ tài sản kỹ thuật số đều không phải là định chế tài chính.

“Chắc chắn đã có ngân hàng và tổ chức tài chính khác bày tỏ sự quan tâm đến tiền mã hóa như một tài sản và mong muốn khách hàng cũng có thể tham gia đầu tư. Nhưng trên thực tế, những khoản đầu tư đó không phổ biến”, Gans đồng tình.

Các hoạt động vay thế chấp tiền mã hóa thường bị giới hạn phạm vi. Ảnh: Bloomberg.

Vị chuyên lưu ý các ngân hàng có bộ quy định và nhu cầu riêng để đảm bảo mọi khoản đầu tư phù hợp. Do đó, các ngân hàng phải cân nhắc kỹ trước khi tiếp xúc với loại hình tài chính mới này.

Tuy một số nhà đầu tư đã bị vùi dập bởi các đợt thanh lý gần đây, mức độ thiệt hại vẫn quá nhỏ so với tổng giá trị ròng 150.000 tỷ USD của các hộ gia đình ở Mỹ.

Vào tháng 5, Goldman Sachs ước tính giá trị nắm giữ tiền mã hóa chỉ chiếm 0,3% tài sản của hộ gia đình Mỹ, trong khi cổ phiếu chiếm 33%. Ngân hàng này dự kiến đợt sụt giảm sẽ không tạo ra quá nhiều lực cản đối với tổng chi tiêu của người dân.

Tương tự, O’Leary cho rằng sự thiệt hại của thị trường tiền mã hóa đang trải rộng trên toàn thế giới. Đây đều là những khoản đầu tư có tính phi tập trung, do đó, việc Bitcoin giảm thêm 20% nữa cũng không thực sự quan trọng.

Tiền mã hóa không chịu nổi áp lực vĩ mô

So với tập đoàn đầu tư đang quản lý khối tài sản 10.000 tỷ USD BlackRock, mốc giá trị vốn hóa 880 tỷ USD của thị trường crypto sau khi điều chỉnh không đáng kể. Vốn hóa của thị trường này còn không thể vượt qua vốn hóa của 4 công ty công nghệ hàng đầu thế giới ngay cả khi họ trải qua một năm làm ăn bết bát.

Một số nhà phân tích ở Phố Wall thậm chí tin rằng sự sụp đổ của các dự án tiền mã hóa là dấu hiệu tốt cho toàn ngành. Đây có thể được coi là một bài kiểm tra nhằm loại bỏ những sai sót trong mô hình kinh doanh.

“Sự thất bại của các mô hình yếu kém như TerraUSD hay LUNA có thể có lợi cho sức khỏe lâu dài của lĩnh vực này”, Alkesh Shah, chiến lược gia tài sản số và tiền mã hóa toàn cầu tại Bank of America, nhận định.

Ông cho biết tài sản số và tiền mã hóa đang chịu sự điều chỉnh giống tài sản rủi ro. Thay vì kéo nền kinh tế đi xuống, giá tiền mã hóa đang biến động theo cổ phiếu công nghệ do cả hai đều không chịu nổi áp lực từ lực lượng kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát và động thái tăng lãi suất của FED.

Mati Greenspan - CEO công ty đầu tư và nghiên cứu tiền mã hóa Quantum Economics - cho rằng các ngân hàng trung ương đã in quá nhiều tiền khi không cần thiết. Điều này dẫn đến xu hướng chấp nhận rủi ro cao và tạo đòn bẩy thiếu thận trọng trong hệ thống. Sau khi rút bớt thanh khoản, thị trường toàn cầu đang cảm thấy bị siết chặt.

Nguồn: zingnews.vn