Cuộc cân não với nhóm truyền giáo ở Gò Vấp

Bốn người trong gia đình trưởng nhóm truyền giáo: Dương tính. Thư ký nhóm truyền giáo: Dương tính. Gia đình nhà kế bên: Dương tính.

Tất cả F1, F2 liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được lực lượng y tế quận Gò Vấp gom về trong đêm 26/5 (sau khi phát hiện 3 ca nhiễm chỉ điểm) dương tính với SARS-CoV-2.

"Khi nhận kết quả, tôi sốc lắm vì không nghĩ số ca nhiễm 'nổ bùng' như vậy, cỡ 12 người", bác sĩ Nguyễn Đức Bảo kể và ông không nhớ nổi số ca nhiễm mỗi ngày khi giờ đây, quận Gò Vấp đã có hơn 90 bệnh nhân.

Bác sĩ Bảo, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, một trong những người đứng nơi "đầu sóng ngọn gió" khi dịch bất ngờ ập tới. Tình thế xoay chuyển chỉ sau một cuộc gọi đêm 26/5, ông từ bác sĩ trở thành chiến sĩ, chiến đấu trên một mặt trận không thấy quân thù. Chỉ trong 2 tuần, từ 3 ca nhiễm được phát hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), dịch đã lây ra 21/22 quận, huyện, TP (trừ huyện Cần Giờ).

"Nếu họ khai thật từ đầu, có thể bớt tệ"

Đêm 26/5, vừa nghe tin 3 ca nhiễm nCoV mới được phát hiện cùng sinh hoạt tại một nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp, bác sĩ Đinh Công Dũng, Trưởng trạm Y tế phường 3 (quận Gò Vấp), phóng như bay trong con hẻm trên đường Nguyễn Văn Công - trụ sở của nhóm này.

Khi ấy, tất cả chỉ là nghi ngờ. Nào ngờ, 4 giờ sau khi mẫu xét nghiệm được gửi đi, bác sĩ Dũng nhận kết quả như "sét đánh ngang tai". Chỉ riêng phường 3 ghi nhận 8 ca nhiễm. Việc xác định số hội viên của nhóm truyền giáo trở thành vấn đề cấp bách.

"Lời khai của họ rất mơ hồ, không chính xác và họ cũng không khai thật", bác sĩ Dũng, người đầu tiên tiếp cận truy vết nhóm truyền giáo này, kể lại.

Trụ sở nhóm truyền giáo nằm trong một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp. Ảnh: Chí Hùng.

Khi tình thế rơi vào bế tắc, bác sĩ Nguyễn Đức Bảo, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, tìm mọi cách tháo gỡ. Nhận ra chỉ người thư ký có thiện chí phối hợp, bác sĩ Bảo liên tục tác động bằng đủ các chiến thuật nhằm điều tra số thành viên của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Danh sách lúc đầu người thư ký cung cấp chỉ có 20 hội viên, nhưng nhờ kinh nghiệm, ông nhận định họ chưa khai toàn bộ.

"Lúc đầu họ giấu, họ nói không có tụ tập trong 2 tuần, nhưng sự thật là họ có", ông kể.

Lời khai của họ rất mơ hồ, không chính xác và họ cũng không khai thật.

Bác sĩ Đinh Công Dũng

Nhóm Hội thánh này vốn dĩ là một nhánh của Tin lành. Vừa hay, bác sĩ Bảo cũng là người Công giáo. Điểm chung này trở thành sợi dây kết nối giữa ông và nữ thư ký của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

"Hết nói chuyện đạo, tình cảm, tôi lại xoay sang tình hình dịch bệnh phức tạp, năn nỉ cô ấy phối hợp", bác sĩ Bảo kể lại quá trình thuyết phục nữ bệnh nhân.

Cứ thế, giữa bộn bề công việc chống dịch, người bác sĩ 54 tuổi vẫn tỉ mẩn vừa nhắn tin, vừa gọi điện để tác động nhằm khiến nữ bệnh nhân phối hợp khai báo.

"Khi biết chồng cô ấy cũng dương tính, thái độ cô ấy có vẻ thay đổi. Lúc đó, tôi năn nỉ và cuối cùng, cô ấy viết ra cho tôi một danh sách 9 người, bao gồm cả số điện thoại", bác sĩ Bảo kể lại chiến thắng nhỏ của mình sau khoảng 9 giờ thuyết phục F0 này.

Từ đầu mối đó, ngành y tế dần truy ra thêm nhiều trường hợp khác. Sáng 27/5, số hội viên của điểm nhóm tôn giáo này tăng lên 27 người, chiều cùng ngày, con số này là 38. Số lượng hội viên tăng dần cho đến khi ngành y tế truy vết ra toàn bộ 55 người. 40/55 thành viên nhóm này dương tính với nCoV, tỷ lệ nhiễm hơn 70%.

"Nếu họ khai ngay từ đầu thì mình đỡ cực hơn nhiều. Chỉ mấy giờ thôi nhưng tình hình có thể đã bớt tệ đi", bác sĩ Bảo chia sẻ.

"Phải làm thôi"

"Không thể hình dung được ca nhiễm từ điểm nhóm truyền giáo lại lây lan kinh khủng như vậy", Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nhớ lại những ngày đầu khi đợt dịch thứ 4 mới bùng phát.

Chỉ 3 ngày kể từ khi phát hiện ca chỉ điểm, tối 29/5, TP.HCM ghi nhận 100 ca nhiễm, riêng Gò Vấp chiếm gần một nửa - 47 ca. Ngày 30/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp khẩn.

"Tình hình lúc đó đã căng rồi. Chúng tôi cũng lường trước có thể sẽ phải áp dụng Chỉ thị 16", Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nói.

Sáng đó, tỷ lệ lây nhiễm của TP.HCM đã ở ngưỡng đáng báo động - 13 ca nhiễm/1 triệu dân, vượt mốc an toàn. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lập tức ra quyết định áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và áp dụng Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp cùng phường Thạnh Lộc (quận 12) từ 0h ngày 31/5.

Cách làm nào cũng có tính hai mặt, phải chấp nhận.

Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng

Quận Gò Vấp có chưa đầy 12 giờ để chuẩn bị. Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng chia sẻ khó khăn lớn nhất lúc đó là đạt được mục tiêu vừa giãn cách xã hội, vừa khoanh vùng dập dịch. Một trong những giải pháp quan trọng nhất được quận đặt ra là lập chốt. Mục tiêu trước hết là kiểm soát y tế với người ra vào Gò Vấp theo tinh thần Chỉ thị 16. Sau đó là rào chắn để người dân trong quận thấy Gò Vấp làm nghiêm và ý thức được mình đang ở tâm dịch.

Các chốt ở cửa ngõ Gò Vấp ùn tắc hàng km trong hai ngày đầu phong tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thế nhưng, bài toán được đặt ra là lập chốt thế nào với một đơn vị hành chính rộng gần 20 km2, có hơn 3.000 ngõ hẻm, gần 700.000 dân và giáp ranh với 4 quận đông dân khác là Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 12.

Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ quận Gò Vấp khi đó không có mô hình nào để học hỏi mà chỉ chủ động lên kế hoạch dựa trên nguyên tắc "người cách ly người, nhà cách ly nhà, phường cách ly phường".

Trăn trở lớn nhất của các lãnh đạo quận Gò Vấp lúc ấy là làm sao kiểm soát người ra vào. Trong khi, lực lượng của quận có khoảng 4.000 người, mà nòng cốt trong kiểm soát chốt là chiến sĩ công an, vũ trang, bảo vệ dân phố thì chỉ vỏn vẹn vài trăm.

Lãnh đạo quận đứng giữa hai nỗi băn khoăn lớn: Lượng người và phương tiện qua lại quá đông thì khi kiểm soát chắc chắn sẽ xảy ra ùn ứ; nhưng nếu để người, xe qua lại tự do không kiểm soát thì có thể sẽ xuất hiện F1, F2, F3 trong cộng đồng.

"Cách làm nào cũng có tính hai mặt, phải chấp nhận. Tình huống kẹt xe đã được quận dự báo và biết sẽ khó khăn bởi dòng lưu thông trên những đường chính của Gò Vấp rất đông. Nhưng phải làm thôi", ông Dũng nói về lựa chọn của quận.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng đánh giá việc lập chốt kiểm soát là quyết định đúng. Ảnh: Thu Hằng.

Đêm 31/5, quận Gò Vấp lập 10 chốt kiểm soát tại các điểm nút giao thông cửa ngõ. Hai ngày đầu tiên, các chốt kiểm dịch của Gò Vấp "vỡ trận". Hàng nghìn người, xe đứng lố nhố, chen chúc nhau kéo dài hàng km để chờ qua chốt kiểm dịch bởi quy trình kiểm tra kéo dài. Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng buộc phải phát lệnh thông chốt để giải tỏa ùn tắc và gửi lời xin lỗi tới người dân.

"Thời gian đó, tôi chưa kịp hướng dẫn, trang bị cho anh em trong khi đây là một trận chiến mới hoàn toàn. Chúng tôi chưa từng trải qua tình huống này. Chưa kể nhiều đêm trước đó, lực lượng của quận đã phải căng sức để tổ chức xét nghiệm cho toàn dân của 4 phường và nhiều cụm lây nhiễm", ông Dũng nói.

F0.5

Trong khi tình hình ở các chốt kiểm soát đang căng thẳng thì sâu trong tâm dịch, ngành y tế cũng rơi vào tình trạng quá tải.

Trung tâm Y tế quận Gò Vấp rộng 3.805 m2. Thế nhưng, toàn bộ hoạt động "đầu não" chỉ diễn ra trong khoảng 70 m2 của một phòng khám cũ nằm ở tầng trệt của trung tâm, được sắp xếp qua loa. Các bàn đều chồng chất giấy tờ, ở góc phòng là những chiếc giường xếp tạm. Nơi đây là chỗ làm, chỗ ăn, và chỗ nghỉ của các nhân viên y tế, hầu như không có ai về nhà kể từ đêm 26/4. Toàn bộ khu vực còn lại của trụ sở được thu xếp thành 60 phòng cho người cách ly tập trung.

Kể từ khi Gò Vấp bùng dịch, bác sĩ Bảo chưa từng có một giấc ngủ yên. Những giấc ngủ chập chờn luôn bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Sau nhiều đêm thức trắng, bước đi của ông vẫn gấp gáp nhưng nặng nề, giọng nói trầm vang nhưng khản đặc, bờ vai chùng hẳn xuống.

"Tôi không biết hôm nay là ngày thứ mấy nữa rồi", ông cười khi được hỏi về thời gian, nụ cười không lên nổi khóe mắt.

"Đầu não" của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp chỉ là căn phòng rộng chừng 70 m2. Ảnh: Duy Hiệu.

Những ngày cao điểm, cả căn phòng chỉ có tiếng điện thoại reo và tiếng trả lời gấp gáp của nhân viên y tế. Lực lượng của Trung tâm Y tế quận (bao gồm 16 phường) khoảng 210 người, gồm cả những người không có chuyên môn y khoa. Thế nhưng, từ lúc dịch bùng ra, bất kể là bác sĩ, y tá, điều dưỡng, trưởng trạm, trưởng khoa... đều trở thành nhân viên chống dịch.

Chúng tôi không phải F0, không phải F1 mà là F 0.5

Bác sĩ Nguyễn Đức Bảo

"Chúng tôi hay nói đùa với nhau là chúng tôi không phải F0, không phải F1 mà là F0.5", bác sĩ Bảo ví von.

Tuổi đã quá ngũ tuần, làm nghề y mấy chục năm, ông chia sẻ chưa bao giờ cảm thấy kiệt sức như những ngày Gò Vấp bùng dịch. Vị bác sĩ 54 tuổi thừa nhận ông và nhiều đồng nghiệp bị quá tải trước khối lượng công việc khổng lồ. Ngày xử lý các F, đêm lại đi lấy mẫu. Thời gian căng thẳng nhất là từ ngày 30/5 đến 1/6, toàn đội thức trắng 3 đêm để lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm cho người dân 4 phường.

"Nói thật, nhiều khi mệt mỏi đến muốn buông, nhưng rồi không hiểu sao vẫn làm tiếp được. Chúng tôi không nghĩ đến cái gì khác, chỉ làm sao truy vết cho đàng hoàng để giảm tình hình dịch thôi", ông nói, giọng khản đặc.

Niềm vui ngắn ngủi

Sau hai ngày đầu Gò Vấp "vỡ trận", theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đoàn công tác xuống tận địa bàn để tháo gỡ từng nút thắt quận. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng liên tục liên hệ với lãnh đạo Gò Vấp để hỏi thăm tình hình.

Ngày cách ly xã hội thứ 3, Gò Vấp thay đổi cách làm từ đóng chốt kiểm soát toàn thời gian sang mở chốt giờ cao điểm, vấn đề ùn tắc được giải quyết.

Ngày cách ly xã hội thứ 6, quận Gò Vấp phối hợp cùng quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh mở thêm 26 chốt kiểm soát phụ tại các hẻm giáp ranh.

"Chúng tôi đạt được mục tiêu giãn cách xã hội trong địa bàn và giảm tối đa lượng người ra vào quận Gò Vấp. Cố gắng sắp tới duy trì kết quả này", ông Nguyễn Trí Dũng đánh giá tình hình sau một tuần áp dụng Chỉ thị 16.

Vị chủ tịch quận nhấn mạnh kết quả bước đầu này không chỉ đến từ sự tận tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà còn nhờ quá trình theo dõi, ủng hộ sát sao của lãnh đạo TP.HCM. Nhìn lại một tuần cách ly xã hội của Gò Vấp, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ những khó khăn và hoan nghênh quận khắc phục vướng mắc, giải quyết mọi chuyện khá ổn. Ông cũng nhắc nhở quận rút kinh nghiệm từ những lúng túng ban đầu để không gây ách tắc cho cuộc sống của người dân.

Những cuộc gọi đến đường dây nóng của bác sĩ Bảo đã ít hơn nhiều so với những ngày trước. Ảnh: Thu Hằng.

Buổi sáng của ngày cách ly thứ 7, điện thoại bác sĩ Bảo chỉ reo 5 lần trong một giờ. Ông gọi đó là "bình yên" bởi những ngày trước đó, cuộc gọi đến liên tục. Ông nói muốn biết tình hình ở Gò Vấp có đang căng hay không, chỉ cần nhìn vào điện thoại của các nhân viên y tế.

"Mấy ngày gần đây, số ca nhiễm mới tuy vẫn nhiều nhưng hầu hết ở trong khu cách ly nên tình hình đỡ căng thẳng", ông nói.

Ngày 6/6, quận Gò Vấp nhận thêm tin vui. Sở Y tế đã thành lập 6 đội chi viện cho các quận, huyện, trong đó có Gò Vấp. Mục tiêu là hỗ trợ truy vết F1, F2 và F3 tiếp xúc gần.

Thế nhưng, niềm vui không kéo dài lâu. Ngày cách ly thứ 9 (8/6), Gò Vấp ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Đây là ca dương tính nCoV trong cộng đồng vừa được phát hiện. Bác sĩ Bảo lại lao vào một trận đánh mới, cam go, phức tạp hơn. Ông được đội truy vết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ nên công việc giảm bớt phần nào.

Tròn 2 tuần từ khi có dịch, quận Gò Vấp đã ghi nhận hơn 90 ca nhiễm và dự báo còn tăng. Bác sĩ Bảo biết rằng đội chi viện đến không đồng nghĩa với việc ông và các đồng đội được nghỉ. Nhưng đó là niềm động viên lớn bởi ông tin tưởng rằng trong cuộc chiến chưa rõ hồi kết này, quận Gò Vấp không cô đơn.

Nguồn Zing