Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký nghị định sửa đổi một số điều về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giáo viên không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ như trước. Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã có cuộc trao đổi với Tuổi trẻ về vấn đề này.

Giáo viên mong bỏ thêm thủ tục gì?

* ÔngNguyễn Đức Hữucho biết: Kể từ ngày 15-9-2017, đội ngũ giáo viên không có sáng kiến kinh nghiệm vẫn được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần của nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức vừa chính thức được ban hành có lẽ là tin vui với nhiều thầy cô giáo trước thềm năm học mới.

Việc quy định bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm, nếu không sẽ không được xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ” trở lên như trước đây đã khiến nhiều thầy cô giáo phải chịu áp lực vì không phải ai cũng có thể có sáng kiến, nhất lại là sáng kiến hằng năm. Qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nhận thấy rõ những áp lực này đối với giáo viên nên đã có kiến nghị sửa đổi.

Quyết định bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm chắc hẳn được các nhà giáo đồng tình, ủng hộ. Sáng kiến trong giáo dục rất cần để thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đó phải là những kinh nghiệm tốt, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề cho giáo viên.

Ngoài ra, tôi đồng ý cần giảm thiểu tối đa các quy định về hồ sơ, sổ sách, hành chính, sự vụ, hội họp không cần thiết, gây quá tải cho giáo viên. Cần dành nhiều thời gian hơn cho các thầy, cô giáo tập trung vào nghiên cứu bài dạy, đổi mới phương pháp và quan tâm tới từng đối tượng học sinh để giúp các em ngày một tiến bộ.

Tuy nhiên, phải tiến hành rà soát, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về các tác động này, không thể chỉ nhìn nhận và điều chỉnh chính sách một cách cảm tính, nóng vội.

Nếu tình trạng trên có thật và đang làm ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn của giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và điều chỉnh phù hợp. Chất lượng giáo dục luôn là mục tiêu quan trọng và chất lượng ấy chỉ được đảm bảo khi các thầy cô được tập trung thời gian, công sức cho công việc chuyên môn của mình.

 

Nguồn GDTĐ