Hơn 100 tỷ USD kiều hối, bao nhiêu dành cho sản xuất kinh doanh?

 Thông tin tại hội thảo “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” ngày 29/9 cho biết, kiều hối dành cho đầu tư - kinh doanh ngày càng tăng nhưng đang có những bất cập cần tháo gỡ.

Hơn 100 tỷ USD kiều hối, bao nhiêu dành cho sản xuất kinh doanh?

27 - 30% giá trị kiều hối dành cho đầu tư, kinh doanh

Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức. Theo thông tin chia sẻ tại hội thảo, từ năm 1991, khi các tổ chức kiều hối chính thức được thành lập thì mới có con số thống kê rõ ràng và con số này ngày càng tăng.

Năm 1991, lượng kiều hối là 113 triệu USD, đến năm 2006 tăng lên 4 tỷ USD, năm 2009 đạt 6,2 tỷ USD, năm 2011 đạt 8 tỷ USD, năm 2014 đạt hơn 12 tỷ USD (lũy kế đạt khoảng 92 tỷ USD), năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực, sau Trung Quốc và Phillippines.

TP. HCM là địa phương tiếp nhận gần một nửa lượng kiều hối của cả nước và theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, giai đoạn 2011 - 2015, lượng kiều hối chuyển về Thành phố tăng bình quân 10 - 12%/năm, năm 2014 là 5 tỷ USD và dự báo năm 2016 đạt khoảng 5,7 tỷ USD.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh cho hay, phần lớn kiều hối được dùng để sản xuất - kinh doanh, đầu tư chứ không phải để cất trữ, chi tiêu hay đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước. Chính sách chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong thời gian qua không ảnh hưởng đến việc sử dụng kiều hối.

Theo kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Western Union thực hiện năm 2014, có khoảng 27 - 30% giá trị kiều hối được đầu tư trực tiếp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, khoảng 11% là gửi ngân hàng, khoảng 20% là đầu tư kinh doanh vàng và từ 16 - 17% đổ vào lĩnh vực bất động sản, phần còn lại là tiêu dùng cá nhân. Trước đó, giai đoạn 2006 - 2010 và 2001 - 2005, giá trị kiều hối được đầu tư trực tiếp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tương ứng 15% và 13%.

Lý giải về sự thay đổi trên, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Bạch Nguyệt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, giai đoạn 2011 - 2014, xét về góc độ nền kinh tế, nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn xuất hiện, môi trường đầu tư trong nước ngày càng được cải thiện. Nhà nước ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước, điển hình là sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở… Trong đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã đưa ra nhiều ưu tiên cho pháp triển các doanh nghiệp tư nhân. Điều này đã thúc đẩy Việt kiều gửi tiền về nước để tiến hành hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh nhiều hơn.

Những bất cập cần tháo gỡ

Theo PGS.TS. Nguyễn Bạch Nguyệt, kiều hối được thu hút về nhưng thiếu vắng chính sách định hướng đầu tư kinh doanh của Nhà nước. Nhiều kiều bào gặp phải khó khăn khi đầu tư trong nước, trong đó khó khăn lớn nhất là thủ tục hành chính còn phức tạp, chồng chéo, thủ tục xin cấp phép đầu tư rườm rà. Các chính sách thu hút đầu tư thiếu nhất quán, hay thay đổi và không rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ngoài các dự án đầu tư riêng lẻ, cộng đồng kiều bào cũng chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình đầu tư, thị trường, các ngành nghề trọng điểm cần vốn đầu tư cũng như các chính sách ưu đãi trong đầu tư các lĩnh vực sản xuất quan trọng. Để tiếp cận thông tin, nhiều nhiều doanh nghiệp kiều bào phải thông qua trung gian, gây tốn kém chi phí.

Nhà nước chưa thực sự đóng vai trò làm cầu nối tạo dựng mối liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp kiều bào và các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

“Ngoài ra, có một số hạn chế liên quan đến các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống cơ sở hạ tầng, sự phân biệt đối xử của một số cơ quan công quyền… cũng đang làm ảnh hưởng tới niềm tin và quyết định đầu tư vào khu vực sản xuất - kinh doanh trong nước của các nhà đầu tư kiều bào”, PGS.TS. Nguyễn Bạch Nguyệt nhấn mạnh.

Về vấn đề này, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE nêu quan điểm: “Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những tiến bộ đó đã tạo thuận lợi cho Việt kiều gửi tiền về nước cho người thân đầu tư, kinh doanh. Tuy vậy, các quy định đã được thực hiện có tính cục bộ, giải quyết từng việc, chưa tạo ra bước đột phá lớn về chính sách đối với Việt kiều. Đã đến lúc Nhà nước cần ban hành chính sách đồng bộ, toàn diện đối với Việt kiều”.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán