Nhà tuyển dụng bóc mẽ điểm yếu của sinh viên

Hơn 13% sinh viên phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc và 41% cần thời gian làm quen với công việc mới.

Sinh viên vừa thiếu vừa yếu kỹ năng mềm

Hiện có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm dù đã được đào tạo bài bản về chuyên môn trong trường.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH năm 2014, có tới gần 170.000 người thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng đại học trở lên, trong khi vẫn còn đến 270 nghìn chỗ làm trống trên phạm vi toàn quốc.

Nhà tuyển dụng bóc mẽ điểm yếu của sinh viên - 1


Nếu thích nghề đầu bếp, bạn đừng ngại ngần xách làn đi chợ

Cũng theo điều tra mới nhất Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, có đến hơn 13% sinh viên ra trường phải đào tạo lại, gần 40% phải được “hướng dẫn” lại tại nơi làm việc và hơn 41% cần nhiều thời gian để làm quen với công việc. Nhưng thực tế, chỉ có 10% sinh viên cho rằng cần kỹ năng mềm và 7% sinh viên cho rằng kỹ năng thực hành là quan trọng để được tuyển dụng, còn lại phần lớn sinh viên cho rằng chỉ cần kiến thức chuyên môn là đủ.
Điều này trái ngược với nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, công ty không chỉ đòi hỏi ứng viên có chuyên môn mà còn thể hiện thành thạo những kỹ năng phù hợp với tính chất công việc yêu cầu.
Từng có nhiều năm làm công tác tuyển dụng, bà Lưu Thị Đào, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Tuệ Linh cho biết, là công ty chuyên sản xuất dược liệu nên 98% nhu cầu tuyển nhân sự đòi hỏi phải được đào tạo chuyên ngành y dược, lực lượng lao động phổ thông chỉ chiếm 2%.
“Mặc dù mỗi lần đăng thông báo tuyển dụng có rất nhiều hồ sơ thi tuyển nhưng tỷ lệ đạt chỉ khoảng 32%. Số lượng tuyển dụng vào sau quá trình thử việc đáp ứng được yêu cầu công việc ngay cũng chỉ chiếm khoảng 60%. Mặc dù chúng tôi chỉ yêu cầu tốt nghiệp trung cấp y, dược mà thôi” – bà Đào nhấn mạnh.
Theo bà Đào, trong quá trình tuyển dụng, bà nhận thấy hầu hết ứng viên thiếu kỹ năng mềm (ngôn ngữ giao tiếp, khả năng trình bày nguyện vọng, cũng như tác phong giao tiếp, thậm chí không ít bạn thiếu tự tin) khiến các em loay hoay không biết làm thế nào để đạt được mong ước.
Trong khi đó, lại có nhiều em quá tự tin khi cho rằng mình được đào tạo bài bản trong trường, thế nhưng khi chúng tôi hỏi câu đơn giản, sơ chế thuốc nam đòi hỏi những tiêu chuẩn gì thì các em lại không trả lời nổi. 
 
Không thích sách, đừng đọc!
 
Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% do kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi kỹ năng mềm họ trang bị. Vậy vì sao kỹ năng mềm lại quan trọng đến như vậy?
Với tiến trình hội nhập nhanh như hiện nay, việc yêu cầu các bạn sinh viên phải biết “dung hòa” những kiến thức đã học kết hợp với kỹ năng trong giao tiếp, làm việc nhóm, đưa ra quyết định,... cùng với sự linh hoạt trong việc thích ứng với môi trường làm việc là hết sức cần thiết. Để bắt lấy cơ hội tại các doanh nghiệp, buộc các em phải tiếp nhận phong cách làm việc chuyên nghiệp, bắt đầu từ việc giao tiếp, làm việc nhóm,…đặc biệt bạn dám vượt qua suy nghĩ “theo đám đông” nhằm tạo nên sự khác biệt.
Trong một lần nói chuyện với sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân mới đây, TS. Dương Ngọc Dũng, giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn cho rằng, mỗi bạn trẻ hãy tự thành thật với bản thân mình. Các em hãy đặt ra câu hỏi muốn gì và điều mong muốn ấy là của mình hay do người khác có nên cũng muốn như vậy?
Lý giải điều này, TS Dũng chia sẻ thước đo của sự thành công nhiều em cho rằng đó phải là những doanh nhân thành đạt, những người nổi tiếng hoặc giàu có…Vì thế, các em cũng đặt ra cho mình công thức chung để đi đến thành công. Tuy nhiên, theo TS Dũng thì bất cứ công thức thành công nào cũng chỉ có giá trị tạm thời, không áp dụng cho tất cả mọi người. Điều cần nhất là mỗi cá nhân tự tìm cho mình một công thức, một con đường riêng phù hợp với bản thân. Cho dù con đường ấy đầy chông gai, đôi khi thất bại.
TS Dũng phân tích mỗi người có một đam mê riêng, đó mới chính là sự khác biệt. Mà muốn có sự khác biệt so với các đồng nghiệp khác, bạn dám nói thẳng suy nghĩ của mình và bạn chấp nhận những rủi ro do, những thất bại và can đảm bước tiếp.
Để đạt được điều này, TS Dũng khuyên các bạn trẻ hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết (học những điều phù hợp với bản thân: cách giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ, tin học và những kiến thức nền).
Ngoài ra, bạn hãy đeo đuổi ước mơ đến cùng và đừng chạy theo đám đông. Chẳng hạn, nếu bạn thích nấu ăn đừng ngần ngại xách làn đi chợ, nếu bạn không thích đọc sách thì đừng đọc, không cận thì đừng đeo kính cho ra vẻ tri thức…).

Nguồn 24h