Quý I, tình hình kinh doanh các ngân hàng có dấu hiệu tích cực

 Được xem là quý ảm đạm nhất trong năm do thời gian nghỉ Tết kéo dài, song theo lãnh đạo các nhà băng, nhu cầu tín dụng có dấu hiệu khởi sắc nên kết quả kinh doanh của ngân hàng có phần cải thiện so với cùng kỳ.

Quý I, tình hình kinh doanh các ngân hàng có dấu hiệu tích cực

Tín dụng cá nhân cải thiện

Tăng trưởng tín dụng quý đầu năm được các nhà băng cho biết, đã lên khỏi mặt đất, thay vì “âm” như cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng quý đầu năm nay tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu xét theo con số tăng trưởng dư nợ tuyệt đối, chỉ ở mức vài chục nghìn tỷ đồng, thì chưa đáng kể. Theo ông Châu, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Kienlongbank luôn đi kèm với kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, nên nợ xấu của Ngân hàng cuối năm 2014 được kiểm soát dưới 2%.

Tổng giám đốc VietBank, ông Nguyễn Thanh Nhung cho hay, dư nợ tín dụng có dấu hiệu cải thiện trong quý đầu năm nay, cho dù đây được xem là thời điểm kinh doanh ảm đạm. Trong đó phải kể đến nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân, đặc biệt là với những cá nhân có nhu cầu về nhà ở, tiêu dùng và hộ kinh doanh cá thể. Vì thế, các ngân hàng đã tranh thủ cơ hội đẩy mạnh cho vay cá nhân, lãi suất ưu đãi.

Bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Tổng giám đốc Nam A Bank cũng cho biết, chiến lược của Ngân hàng là từng bước “đánh” mạnh vào phân khúc tín dụng phân tán, nhỏ lẻ. Bởi theo bà Tú, nhu cầu vốn của phân khúc khách hàng này còn rất lớn, trong khi thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ cầu nên còn nhiều dư địa để khai thác. Điều này được chứng minh khi các địa điểm hoạt động mới được Nam A Bank đưa vào hoạt động trong quý IV/2014 đã bắt đầu có lãi.

Theo lãnh đạo các nhà băng, đầu năm, nhu cầu vốn của khách hàng chưa tăng trưởng mạnh, nhưng đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Thông tin từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 31/3 so với cuối năm 2014 đạt khoảng 1,5%, trong đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đến hết tháng 3 là 2,3% (cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng tín dụng âm). Con số này khá bất ngờ, nhưng cũng hoàn toàn hợp lý khi soi chiếu với bối cảnh kinh tế vĩ mô có dấu hiệu khởi sắc hơn, đặc biệt là những nỗ lực tìm kiếm khách hàng của các ngân hàng, cũng như đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân.

Trên thực tế, mảng tín dụng phân tán, nhỏ lẻ đã đem lại nguồn thu khá lớn và bền vững cho nhiều ngân hàng, nhất là với những ngân hàng có nền tảng bán lẻ tốt như Sacombank, Techcombank, VPBank…

Đóng góp tích cực cho lợi nhuận

Nhờ mảng tín dụng cá nhân cải thiện tích cực đã đóng góp đáng kể vào tổng nguồn thu cũng như lợi nhuận cho các ngân hàng trong quý đầu năm nay.

Tại Kienlongbank, lãnh đạo nhà băng này cho biết, trong quý I, Ngân hàng ước lợi nhuận thu về khoảng 100 tỷ đồng trước thuế, trong đó có sự góp phần không nhỏ từ tín dụng cá nhân. Tỷ trọng dư nợ cho vay khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Kienlongbank hiện chiếm đến 80% trong tổng dư nợ tín dụng, nhất là với tín dụng cho vay nông nghiệp. Bên cạnh đó, Kienlongbank có chính sách tín dụng vi mô, bằng hình thức đẩy mạnh cho vay phân tán và nhỏ, lẻ. Nhờ vậy, Kienlongbank đã gia tăng được nguồn thu nhập từ tín dụng, đóng góp vào tổng lợi nhuận. Ngoài ra, Kienlongbank cũng đẩy mạnh cho vay tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể…, vừa thúc đẩy hoạt động tín dụng nhỏ, lẻ, vừa có thể phân tán được rủi ro nợ xấu.

“Để kiểm soát chặt rủi ro nợ khó đòi, việc giải ngân vốn dù với khoản vay nhỏ, Kienlongbank vẫn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo”, ông Châu nói và cho rằng, nhu cầu tín dụng trong năm nay sẽ cải thiện đáng kể so với năm trước và thực tế dấu hiệu này đã khả quan trong những tháng đầu năm 2015, nên kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Châu, để cung - cầu vốn có thể gặp được nhau thì không chỉ từ phía ngân hàng, mà ngay bản thân khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp, cũng phải minh bạch thông tin để ngân hàng có thể nắm rõ được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp cung ứng vốn hợp lý cho khách hàng.

“Trước tình hình khó khăn của thị trường hiện nay, nhiều khách hàng vay không sử dụng vốn đúng mục đích nên rủi ro nợ xấu là khó tránh, dẫn đến dự phòng cao. Do vậy, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 388 tỷ đồng đưa ra cho năm 2015 cũng là áp lực lớn, nhưng Ngân hàng vẫn có cơ sở để hoàn tất”, ông Châu cho biết.

Tổng giám đốc Nam A Bank bà Lương Thị Cẩm Tú cho hay, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng đã hoàn thành được khoảng 20% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015. Kế hoạch lợi nhuận 2015 được Nam A Bank xây dựng ở mức 360 tỷ đồng trước thuế so với mức thực hiện của năm rồi là 243 tỷ đồng, nhưng với chiến lược đẩy mạnh cho vay phân tán, nhỏ lẻ, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, Ngân hàng tự tin hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra.

Nhờ thế mạnh cho vay phân tán, tiêu dùng nên lợi nhuận của Sacombank, VPBank đạt được năm qua ở mức tương đối cao (Sacombank đạt trên 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; VPBank đạt trên 1.600 tỷ đồng). Chỉ tiêu lợi nhuận Sacombank đưa ra cho năm nay là 3.000 tỷ đồng trước thuế, nhưng lãnh đạo nhà băng này cho biết, ước trong quý đầu năm, Ngân hàng đã hoàn thành trên 20% chỉ tiêu nhờ tín dụng cá nhân cải thiện rõ nét.

Còn với VIB, để có thể giải quyết được bài toán tín dụng theo tính mùa vụ, ông Rahn Wood, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, Ngân hàng sẽ tìm giải pháp để đẩy mạnh như hỗ trợ vốn cho khách hàng SMEs, cho vay cán bộ nhân viên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn… với mức lãi suất ưu đãi. VIB cũng có những giải pháp để từng bước đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ vào cuối năm, hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra 655 tỷ đồng năm nay.

Không chỉ với khách hàng cá nhân, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp cũng bắt đầu có dấu hiệu trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, muốn khơi thông dòng chảy vốn trước hết Ngân hàng phải xử lý được nợ xấu, đồng thời giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm nay được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn so với trước khi nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản ấm dần. Nhưng không phải vì thế mà các nhà băng ồ ạt đẩy vốn vào phân khúc cá nhân mua nhà, bởi nếu không kiểm soát được chất lượng tín dụng, rủi ro nợ xấu sẽ tăng.

Vì thế, theo lãnh đạo các ngân hàng, dù được nới chỉ tiêu tăng trưởng, ngân hàng vẫn sẽ kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, không bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tín dụng được giao.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán