Quản lý ngoại hối, những vấn đề lớn

 Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Quản lý ngoại hối, những vấn đề lớn

Liên quan đến lĩnh vực ngoại hối, NHNN đã chủ động tăng cường công tác quản lý ngoại hối nhằm đảm bảo ổn định thị trường, tăng quy mô dự trữ ngoại hối, thu hút ngoại tệ từ các nguồn như kiều hối, FDI, FII.

Nhìn lại công tác quản lý ngoại hối thời gian qua

Thứ nhất, về vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối. Cuối năm 2013 và năm 2014 có thể coi là điểm sáng của NHNN trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý ngoại hối thông qua việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đối với chính sách về quản lý vay trả nợ nước ngoài, Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vay, trả nợ nước ngoài theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, đảm bảo được vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động vay nợ của khu vực DN tự vay, tự trả.

Về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Nghị định số 50/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 20/5/2014 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tập trung ngoại tệ vào NHNN để cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối, đồng thời NHNN chủ động hơn trong điều hành và đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành một loạt thông tư hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi và các nghị định nêu trên nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Cụ thể, NHNN đã ban hành 5 thông tư liên quan đến quản lý các giao dịch vãng lai và sử dụng ngoại hối trong nước; 3 thông tư liên quan đến quản lý các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; 3 thông tư liên quan đến quản lý hoạt động vay và cho vay ra nước ngoài; 1 thông tư quy định về việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh và 1 thông tư hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Các quy định tại những văn bản nêu trên đã từng bước được hoàn thiện phù hợp với nhu cầu thực tế và yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Thứ hai, khuyến khích kiều hối, thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, hạn chế sử dụng ngoại hối trong nước, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.

Chính sách thu hút kiều hối tiếp tục thực hiện theo hướng thông thoáng và phù hợp với xu thế hội nhập. Mạng lưới hoạt động nhận và chi trả ngoại tệ của các TCTD và tổ chức kinh tế ngày càng mở rộng, tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài, công nghệ hiện đại cho phép xử lý giao dịch tập trung với mức độ tự động cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thuận tiện.

Cùng với số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc gia tăng, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tương đối ổn định với mức tăng trưởng 15% giai đoạn 2010 - 2014, đóng góp từ 5 - 6% GDP. Trong những năm qua, lượng kiều hối chuyển về nước tương đối ổn định là nguồn thu ngoại tệ quan trọng phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế trong nước, góp phần cải thiện cán cân vãng lai và tăng dự trữ ngoại hối.

Khối DN FDI hiện đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.Ảnh: Hoài Nam
Nhất quán thực hiện các biện pháp chống đô la hóa, góp phần nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 cùng với các biện pháp khác để hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước đã có những tác động tích cực góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng đô la hóa trong nước, tăng niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, hạn chế những tác động tiêu cực đến cung - cầu ngoại tệ và chính sách tỷ giá, tiền tệ trong nước.
Tình trạng đô la hóa được đẩy lùi đáng kể trong những năm gần đây khi NHNN triển khai các giải pháp đồng bộ, kết hợp linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng tăng tính hấp dẫn của đồng Việt Nam.
Cụ thể, tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại tệ của các NHTM, giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ, điều hành lãi suất nội tệ và ngoại tệ hợp lý.
Đồng thời, NHNN cũng điều chỉnh hạ dần lãi suất cho vay, hạn chế các đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, khuyến khích chuyển quan hệ huy động (vay và cho vay ngoại tệ) sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
Đặc biệt là quy định các giao dịch trong nước không được thanh toán, niêm yết, định giá… bằng ngoại tệ. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả, giảm các nhu cầu găm giữ ngoại tệ trong dân cư, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm mạnh còn 12% cuối năm 2013, 11% cuối năm 2014 so với con số khoảng 25% của 10 năm trước.

Triển khai các biện pháp thu hút nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối. Trong những năm qua, NHNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định thị trường ngoại hối, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, thể hiện qua chính sách quản lý việc thu đổi ngoại tệ, chính sách kiều hối, chính sách mua, bán ngoại tệ tiền mặt của TCTD được phép với cá nhân, quy định kết hối, chính sách quản lý thanh toán biên mậu…

Mạng lưới hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ ngày càng được mở rộng nhằm thu hút lượng ngoại tệ trong dân cư vào hệ thống ngân hàng. Tính đến thời điểm cuối năm 2014, số lượng đại lý đổi ngoại tệ là 422, tương đương số đại lý năm 2013 (424 đại lý) và tăng 132 đại lý so với năm 2010 (tăng 45,5%).

Doanh số đổi ngoại tệ năm 2014 ước đạt khoảng 2,87 tỷ USD, tăng trưởng 26% so với năm 2013, trong đó doanh số đổi ngoại tệ trực tiếp từ các TCTD đạt 2,65 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013, doanh số đổi qua đại lý đạt 215 triệu USD, tăng 7% so với năm 2013 và tăng 26% so với năm 2010.

Nhu cầu ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được đáp ứng linh hoạt. Hoạt động mua bán ngoại tệ tiền mặt của TCTD được phép với cá nhân đã tạo thuận lợi cho cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài...

Dựa trên số liệu mua bán ngoại tệ tiền mặt với cá nhân có thể nắm bắt được tâm lý nắm giữ ngoại tệ của người dân trong từng thời kỳ. Tổng doanh số ngoại tệ tiền mặt TCTD mua từ cá nhân trong năm 2014 đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán ngoại tệ cho cá nhân là 401 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, xu hướng giữ ngoại tệ tiền mặt của cá nhân giảm đáng kể, người dân tin tưởng vào tính ổn định của đồng Việt Nam và cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Thứ ba, tăng cường chế tài, kiểm tra, thanh tra đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối. Ngày 17/10/2014, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP và Nghị định 95/2011/NĐ-CP), trong đó bổ sung tương đối đầy đủ các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời đưa ra mức phạt rất nặng so với quy định trước đây như: Nâng mức phạt tiền tối đa lên tới 500 - 600 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm; áp dụng các hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật hoặc rút giấy phép.

Việc tăng cường chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối nhằm tăng tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân, tạo cơ sở pháp lý kịp thời cho công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngoại hối.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, NHNN cũng đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát,chấn chỉnh hoạt động ngoại hối.

Để phát hiện và ngăn chặn các tác động tiêu cực trên thị trường ngoại tệ, NHNN đã kịp thời phối hợp với Bộ Công thương trong việc đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu ngoại tệ lậu qua biên giới, mua bán ngoại tệ trái phép; đồng thời NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý, theo dõi chặt chẽ hoạt động mua, bán, kinh doanh ngoại tệ, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, thao túng thị trường, niêm yết, quảng cáo giá mua - bán bằng ngoại tệ trái pháp luật.

Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã từng bước chấn chỉnh hoạt động ngoại hối của các chủ thể tham gia thị trường, góp phần thiết lập trật tự thị trường, tăng cường kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại hối.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông về chính sách quản lý ngoại hối. Trong những năm gần đây, NHNN luôn chú trọng công tác tuyên truyền về chính sách quản lý ngoại hối. Các biện pháp tuyên truyền được mở rộng, linh hoạt từ việc đăng tải chính sách trên website, các tạp chí trong, ngoài ngành, giải đáp chính sách, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn…, qua đó giúp tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoại hối nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.

Ngoài ra, việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định quản lý ngoại hối cũng được quan tâm nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung và đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền và truyền thông, trong những năm gần đây, NHNN cũng đã kịp thời giải đáp các vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý ngoại hối, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri và các tổ chức, cá nhân.

Những giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý ngoại hối

Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, để tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý ngoại hối, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp sau.

Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý ngoại hối. Hiện nay, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động ngoại hối là Pháp lệnh Ngoại hối 2005 và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung ban hành năm 2013. Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý ngoại hối, hạn chế sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan đến ngoại hối, sử dụng ngoại tệ lại được quy định tại các văn bản pháp lý cao hơn như Luật Dầu khí, Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước… dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thực thi các chính sách, quy định về quản lý ngoại hối chưa cao.

Vì vậy, cần phải có văn bản về quản lý ngoại hối có giá trị pháp lý cao hơn là Luật Ngoại hối để tăng hiệu lực thực thi các chính sách về quản lý ngoại hối. Do đó, việc đăng ký xây dựng Luật Ngoại hối thay thế Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi giai đoạn 2015 - 2018 là cần thiết, nhằm đảm bảo tính nhất quán, ổn định lâu dài, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng quốc tế.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về quản lý ngoại hối trong từng lĩnh vực cụ thể để đảm bảo đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngoại hối.

Hai là, tiếp tục tăng cường các giải pháp thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, thu hút kiều hối tạo động lực phát triển kinh tế, kiên định triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Chính sách kiều hối tiếp tục thực hiện theo định hướng thu hút dòng kiều hối chuyển về nước, đồng thời đảm bảo tính minh bạch của các dòng tiền chuyển về, hạn chế hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước nhằm hạn chế hơn nữa tình trạng đô la hóa, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 xóa bỏ tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, tập trung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối. NHNN tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, đồng thời chỉ đạo bộ phận thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tập trung lực lượng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm để xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời, tiếp tục rà soát các hành vi vi phạm ngoại hối có thể phát sinh trong thực tế để có những sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp, nhằm tăng cường các giải pháp về xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, giải đáp chính sách quản lý ngoại hối, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để đảm bảo việc thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối được đồng bộ, nghiêm túc.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, tiếp tục hạn chế tình trạng đô la hóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và nâng cao lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam; phối hợp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoại hối, phối hợp liên ngành trong việc xử lý các hành vi vi phạm về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối...

Theo Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam

Nguồn Tin nhanh chứng khoán