Tín dụng vi mô nhìn từ thực tế cho vay chính sách

 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) được đánh giá là điểm sáng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhiều khó khăn liên quan đến chính sách vẫn còn tồn tại.

Tín dụng vi mô nhìn từ thực tế cho vay chính sách

Khó khăn liên quan đến chính sách

Chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy, 44 tuổi, chồng mất sớm, nuôi 3 con trai ở ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cho biết, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không được xếp vào diện gia đình nghèo để được tham gia chương trình cho vay với mức tối đa lên tới 50 triệu đồng/hộ của Ngân hàng CSXH. Nguyên do cũng được chị Thúy chia sẻ, bởi trong 3 con trai thì có 2 con đang ở độ tuổi lao động mặc dù công việc chưa ổn định, thu nhập bấp bênh.

Theo bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, trường hợp như chị Thúy không phải là hiếm tại khu vực ĐBSCL, thậm chí có những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay vốn của Ngân hàng CSXH. Cụ thể, ngay tại xã Tân Thới, có gia đình chị Nguyễn Thị Bé Thu, 34 tuổi, chồng mất sớm, trong nhà còn 1 mẹ già và 2 con nhưng không có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo chuẩn Nhà nước quy định, thu nhập dưới 400.000 đồng/tháng mới được xếp diện nghèo nên chị Thu không được vay vốn tại Ngân hàng CSXH, thậm chí gia đình cận nghèo chị Thu cũng không đủ tiêu chuẩn.

“Gia đình có 2 công vườn (khoảng 2.000 m2) trồng cây tạp, không có thu nhập cao nên tôi mong muốn được vay vốn theo chương trình ưu đãi của Ngân hàng CSXH để cải tạo vườn, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”, chị Thu nói.

Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Khánh Vân, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền chia sẻ thêm, nguồn vốn địa phương của các tỉnh vùng ĐBSCL dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế. Được biết, đến năm 2014, bình quân mỗi tỉnh vùng ĐBSCL có nguồn vốn địa phương gần 38 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn địa phương bình quân chung toàn quốc là 62 tỷ đồng/tỉnh.

Cần nâng chuẩn hộ nghèo

Trước những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long nói: “Đề nghị Ngân hàng CSXH kiến nghị với Chính phủ nâng mức tiền vay đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm lên 40 triệu đồng/hộ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bởi mức 20 triệu đồng/hộ hiện tại chưa đủ để giải quyết vấn đề”.

Trong khi đó, bà Vân kiến nghị, cần nâng mức chuẩn hộ nghèo lên, có thể là 600 - 800.000 đồng/hộ, thay vì để mức 400.000 đồng/hộ như hiện tại là không còn phù hợp với tình hình.

Đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang đề xuất, sớm ban hành chính sách đối với các hộ đã thoát nghèo và thoát cận nghèo để giúp các hộ này tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, tránh trường hợp tái nghèo, cận nghèo do thiếu vốn sản xuất. Trên thực tế, các hộ sau khi thoát ngưỡng cận nghèo vẫn không được tiếp cận nguồn vốn của các TCTD vì không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp.

Ông Võ Minh Hiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH cho rằng, cần cân đối, bố trí tăng cường nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho vay đối với những khu vực có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có khu vực ĐBSCL. Sớm ban hành chính sách cho vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Ngân hàng CSXH cho rằng, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã đạt hiệu quả, nhưng cũng phải khẳng định, dù xã hội phát triển đến đâu thì vẫn có hộ nghèo, nên sự nghiệp này không thể một sớm một chiều trong suốt quá trình phát triển. Nguồn vốn ở địa phương thiếu cũng đã đề cập đến nhưng ở nhiều địa phương còn có tư tưởng ỷ lại nên phân bổ ngân sách địa phương không dành nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH, do đó dần dần nên dành một phần nào đó trong ngân sách địa phương cho Ngân hàng CSXH.

“Chuẩn nghèo thấp như hiện nay là không hợp lý, cần nâng lên nếu không người dân vẫn ‘loay hoay’ trong đói nghèo. Rà soát tất cả các chương trình xóa đói giảm nghèo, đưa về tập trung tại Ngân hàng CSXH để hoạt động này thiết thực hơn với người nghèo. Cùng với đó, bằng mọi cách phải có đầy đủ nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH để ngân hàng thực sự trở thành chỗ dựa phục vụ người nghèo, giúp người nghèo thoát nghèo hiệu quả và bền vững hơn…”, Thống đốc NHNN nói.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán