Vàng tuần 11-15/8: “Ngốc mới bán ra”

“Có quá nhiều sự kiện nóng đang diễn ra, liên quan đến chính trị, các báo cáo kinh tế và thậm chí là chiến tranh. Điều đó mang đến một chút tâm lý lạc quan với vàng. Tôi thì không thực sự có tâm lý lạc quan đó, nhưng sẽ là ngốc nếu bán vàng ra lúc này”, một nhà môi giới nói.

Vàng tuần 11-15/8: “Ngốc mới bán ra”

Lo lắng địa chính trị đang lên cao và một loạt dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ cùng giành giật sự chú ý của thị trường vàng trong tuần này.

Giá vàng giao tháng 12 đã giảm hôm thứ Sáu tuần trước, chốt lại ở mức 1.311 USD/ounce trên sàn Comex, New York, nhưng vẫn tăng 1,25% so với tuần trước.

Theo khảo sát của Kitco News về dự báo giá vàng tuần này, có 18 người đoán giá tăng, 6 người đoán giá giảm và 3 người đoán giá đi ngang.


Vàng đã tăng mạnh về cuối tuần trước bởi những vấn đề địa chính trị, bắt đầu từ giữa tuần với tin Tổng thống Nga Vladimir Putin lại điều quân đến biên giới với Ukraine. Giá vàng sau đó đã tăng lên mức cao trong vòng 3 tuần khi Tổng thống Mỹ chấp thuận hoạt động không kích vào lực lượng nổi dậy ở Iraq. Thêm vào đó là việc Israel và Hamas phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.

Các nhà phân tích ở Barclays nói rằng, ngoài vàng, giá dầu thô cũng tăng mạnh trong tuần trước sau những tin tức địa chính trị, trong khi thị trường cổ phiếu cũng đỏ sàn. Chốt tuần, các chỉ số chứng khoán chính đều giảm mạnh, đặc biệt ở châu Âu và châu Á.

Một số hoạt động chốt lời hôm thứ Sáu đã hạn chế đà tăng của vàng. Tuy nhiên, một nhà môi giới kim loại quý ở North American cho biết, về mặt dài hạn, ông vẫn tin vàng sẽ giảm.

“Có quá nhiều sự kiện nóng đang diễn ra, liên quan đến chính trị, các báo cáo kinh tế và thậm chí là chiến tranh. Điều đó mang đến một chút tâm lý lạc quan với vàng. Tôi thì không thực sự có tâm lý lạc quan đó, nhưng sẽ là ngốc nếu bán vàng ra lúc này”, nhà môi giới này nói.

Các biểu đồ kỹ thuật đang hỗ trợ vàng với việc giá trở lại trên ngưỡng 1.300 USD/ounce, Barclays nhận xét. “Sự giảm bớt rủi ro chéo tài sản đang giúp tạo ra một lực đỡ cho vàng. Chúng tôi đang chờ đợi một cú bứt qua mức 1.325 USD/ounce để khẳng định xu hướng tăng lên các mục tiêu gần vùng 1.345 và sau đó là 1.365 USD/ounce”, Barclays nói.

Vàng trong nước đồng loạt tăng

Tại thị trường trong nước, giá vàng thương hiệu quốc gia SJC cũng có diễn biến tương tự giá vàng thế giới. Theo đó, giá quay đầu giảm vào những giờ giao dịch cuối tuần qua, nhưng vẫn chốt tuần ở mức cao hơn tuần trước đó. Cụ thể, giá chốt tuần ở mức 36,58 - 36,73 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Trong tuần, giá đạt mức thấp nhất là 36,50 - 36,62 triệu đồng/lượng hôm 5/8, cao nhất là 36,67 - 36,79 triệu đồng/lượng hôm 8/8.

Chốt tuần qua, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ở mức 34,18 - 34,38 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 33,61 - 34,06 triệu đồng/lượng, tăng 170.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.

USD tăng giá với nhiều ngoại tệ mạnh nhưng giảm so với VND

Tuần qua, giá USD tự do có xu hướng giảm trong khi giá USD ngân hàng liên tục dao động trong biên độ hẹp. Cụ thể, tính đến cuối tuần qua, giá USD tự do ở mức 21.200 - 21.220 đồng/USD, giảm 30 đồng/USD so với cuối tuần trước đó. Giá USD do Vietcombank niêm yết chốt tuần ở mức 21.190 - 21.240 đồng/USD, chỉ giảm 10 đồng/USD so với cuối tuần trước đó.

Với các ngoại tệ khác, hầu hết giảm so với cuối tuần trước đó. Trong đó, SGD và GBP cùng giảm mạnh nhất với -0,48%; tiếp đến là AUD với -0,45%; THB với -0,44%... Ở chiều tăng, duy nhất có JPY với 0,94%.


Trên thị trường quốc tế, đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng EUR là diễn biến đáng chú ý nhất tuần qua. Theo đó, cặp tỷ giá EUR/USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng khi chỉ còn 1,3341 hôm 6/8. Giá sau đó tăng nhẹ trở lại và chốt tuần ở mức 1,3408. Cặp USD/JPY có xu hướng giảm, chốt tuần qua ở mức 101,99, so với mức 102,56 cuối tuần trước đó.
Quang Huy

{fcomment}