Ngân hàng nội dè dặt với cho vay tín chấp

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho biết, các ngân hàng thương mại khá dè dặt triển khai chủ trương cho vay tín chấp của NHNN. Trước mắt, các ngân hàng sắp xếp và xếp hạng tín nhiệm nội bộ đối với doanh nghiệp.

Ngân hàng nội dè dặt với cho vay tín chấp

Xin ông cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng cũng như nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM 7 tháng đầu năm nay?

Ước tính, 7 tháng đầu năm nay, tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn Thành phố tăng 3,3% so với cuối năm 2013, trong khi huy động vốn tăng 3,9%.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 7/2014 là 4,65%, giảm nhẹ so với 1 tháng trước đó. Nợ xấu chủ yếu nằm trong khu vực cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, chiếm khoảng 76% tổng nợ xấu; lĩnh vực phi sản xuất - kinh doanh chiếm 24% còn lại.

Muốn được trao vốn, DN phải có "sức khỏe" tốt, dự án khả thi

Tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn 7 tháng qua ra sao, thưa ông?

7 tháng đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn đã xử lý được khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng nguồn xử lý nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu là do trích lập dự phòng.

Trong tổng nợ xấu đã xử lý, chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng bán cho VAMC. Nhưng trên tinh thần chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục rà soát và tập hợp đầy đủ hồ sơ cũng như đáp ứng được các điều kiện pháp lý để tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC.

Mặc dù đã tích cực xử lý, nhưng vì sao tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn cao?

Nợ xấu của các ngân hàng vẫn cao, một phần do nợ xấu phát sinh mới vẫn cao. Vì thế, mặc dù đã ra sức xử lý với con số đến 8.000 tỷ đồng trong 7 tháng, nhưng nợ xấu mới vẫn phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn chưa thể giảm như kỳ vọng.

Nói như vậy, chủ trương của NHNN đưa ra đề nghị các ngân hàng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xếp hạng tín dụng nội bộ để gia tăng cho vay tín chấp, liệu có khả thi?

Hiện nay, các NHTM đang tiến hành triển khai chủ trương này, tất nhiên là ngân hàng cũng khá dè dặt, do lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng. Vì thế, trước mắt, các ngân hàng sắp xếp và xếp hạng tín nhiệm nội bộ đối với doanh nghiệp để có thể xem xét cho vay tín chấp. Nhưng để được tiếp cận vốn tín chấp, đòi hỏi trước hết đối với doanh nghiệp là phải có sức khỏe tốt, dự án kinh doanh khả thi… thì ngân hàng mới có thể mạnh dạn cho vay.

Theo ông, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cho vay tín chấp rủi ro có gia tăng?

Dĩ nhiên, so với cho vay thế chấp thì việc triển khai tín dụng tín chấp rủi ro sẽ cao hơn. Vì thế, đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn so với việc triển khai tín dụng có tài sản đảm bảo tại Thông tư 09 mà NHNN đưa ra cũng phải cao hơn. Do đó, trước hết, các ngân hàng phải chọn doanh nghiệp để xếp hạng tín nhiệm, sau đó thẩm định dự án sản xuất - kinh doanh, nếu hiệu quả mới triển khai cho vay không tài sản đảm bảo.

Dư nợ tín dụng cho vay tín chấp của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện chiếm tỷ lệ khoảng bao nhiêu trên tổng dư nợ của các ngân hàng?

Chúng tôi không có thống kê chi tiết về tỷ lệ tín dụng tín chấp nói chung của các ngân hàng trên địa bàn, nhưng có thống kê riêng về tỷ lệ cho vay tín chấp của chương trình cho vay thông qua việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với chương trình này, lượng vốn mà các ngân hàng cho doanh nghiệp vay không tài sản đảm bảo chiếm khoảng 17 - 18% trên tổng dư nợ đã giải ngân đến ngày 10/7, vào khoảng 15.670 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm, chương trình tín dụng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp mà chủ trương TP. HCM đưa ra đạt khoảng 27.000 – 28.000 tỷ đồng.

Mục tiêu đưa ra đối với chương trình này là phải không có nợ quá hạn và nợ xấu. Vì thế, khả năng dư nợ tín dụng tín chấp của chương trình này cũng sẽ tăng lên ở thời gian tới.

Đến thời điểm này, lãi suất của các khoản vay cũ 13%/năm đã giảm về mức phù hợp hay chưa, thưa ông?

Tính đến nay, tỷ lệ cho vay với mức lãi suất từ 12%/năm trở xuống chiếm đến 86% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM. Trong đó, mức lãi suất cho vay dưới 8%/năm chiếm khoảng 42%.

Còn lãi suất bình quân 9 - 12%/năm chiếm khoảng 44%. Phần còn lại, lãi suất trên 13%/năm chủ yếu là lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Còn đối với khách hàng doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay trên 13%/năm hầu như không còn, có chăng chỉ là các khoản nợ quá hạn, nợ xấu, trừ lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Riêng đối với tín dụng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp – nông thôn, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ) của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tính đến ngày 20/7 đạt 136.000 tỷ đồng so với mức của đầu năm 2014 là 125.000 tỷ đồng. Lãi suất không quá 8%/năm.

Thùy Vinh

{fcomment}