Nợ xấu tăng do cho vay bất động sản quá đà

 Dù đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, song nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn khó kéo giảm. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do trước đây ngân hàng vung tay cho vay bất động sản, việc phát mãi tài sản thu hồi nợ rất khó khăn khi thị trường địa ốc chưa sôi động trở lại.

Nợ xấu tăng do cho vay bất động sản quá đà

DongA Bank là một điển hình khi những năm trước đây đẩy mạnh cho vay bất động sản, trong đó đáng chú ý là khoản nợ của CTCP Địa ốc Phát Đạt. Việc đẩy mạnh cho vay bất động sản là một trong những lý do chính đẩy nợ xấu của DongA Bank vượt quá vốn điều lệ, khiến DongA Bank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, ông Trần Phương Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc.

Cuối năm 2014, tổng số nợ xấu mà ngân hàng này công bố là 1.947 tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với năm trước, nhưng vẫn ở mức 3,76% tổng dư nợ; trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 869 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu năm 2014 giảm là do Ngân hàng đã đẩy được cục nợ gần 4.000 tỷ đồng cho VAMC.

Kế hoạch đưa ra năm nay, DongA Bank sẽ bán tiếp khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu và 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã bán được 1.000 tỷ đồng. Trong khi, vốn điều lệ của DongA Bank hiện là 5.000 tỷ đồng.

Theo kết luận của thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), DongABank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng trong giai đoạn 2012 trở về trước. Tại ĐHCĐ thường niên 2015 của DongA Bank được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, nhiều cổ đông cũng lên tiếng chất vấn Ban lãnh đạo Ngân hàng về khoản nợ tại Phát Đạt. Về khoản nợ của Phát Đạt, DongA Bank đã có lộ trình thu hồi. Tháng 6/2015, công ty này được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành cổ phiếu huy động 650 tỷ đồng vốn mới. Toàn bộ khoản tiền này được Phát Đạt công bố dùng để trả nợ DongA Bank. Tuy nhiên, kết quả cụ thể của đợt phát hành này chưa được Công ty công bố.

Cổ đông Eximbank cũng quan tâm nhiều đến khoản cho vay sân sau, Eximland. Tại ĐHCĐ thường niên Eximbank diễn ra ngày 21/7 vừa qua, cổ đông đã đặt ra nghi vấn, khoản cho vay Eximland hơn 300 tỷ đồng có phải thành nợ xấu khi Ngân hàng giảm lãi nợ vay cho Eximland 98 tỷ đồng. Việc đầu tư của Eximbank vào Eximland bản chất là thế nào, mối quan hệ nội bộ của HĐQT với Eximland ra sao? Trả lời cổ đông về vấn đề này, lãnh đạo Eximbank cho biết, trước kia, Eximbank sở hữu 10% Eximland, nhưng nay đã thoái hết vốn, còn các vấn đề liên quan cho vay ở Eximland thế nào, phải chờ kết luận thanh tra của NHNN.

Nợ xấu Eximbank đến tháng 6/2015 (gồm cả nợ cơ cấu lại) là 2.400 tỷ đồng (tương đương 2,82% tổng dư nợ). NHNN giao Eximbank xử lý 2.730 tỷ đồng, trong đó bán nợ VAMC là 2.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, Eximbank đã bán được 1.526 tỷ đồng nợ xấu và theo kế hoạch từ nay đến cuối tháng 9 sẽ bán nốt số còn lại. Eximbank cũng tự xử lý được hơn 1.500 tỷ đồng nợ xấu, thông qua trích lập dự phòng rủi ro, thu nợ từ khách hàng và tái cơ cấu nợ.

Tổng giám đốc một ngân hàng đã bán khối lượng nợ xấu lớn cho VAMC cũng cho biết, tình hình xử lý nợ xấu hiện nay còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nhưng chủ yếu ở phân khúc nhà ở có mức giá vừa túi tiền, còn nhìn chung vẫn trầm lắng. Vì thế, để chuyển nhượng các dự án bất động sản, thu hồi nợ xấu trong điều kiện thị trường này là không dễ.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, sở dĩ nợ xấu của các ngân hàng tăng cao thời gian qua và chưa thể kỳ vọng xử lý nhanh trong giai đoạn hiện nay chính là đã “vung tay quá trán” trong cho vay bất động sản, nhất là ở những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Cái khó là tài sản đảm bảo bằng bất động sản trước đây được định giá cho vay rất cao, giờ thị trường nhà đất giảm, thì phải định giá và xử lý món nợ này như thế nào.

Vân Linh

Nguồn Tin nhanh chứng khoán