Tuyển sinh đại học 2021: Cân nhắc với ngành mới

Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành học mới.

Ngành mới hút thí sinh

Năm 2021, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM công bố phương án tuyển sinh 2021. Theo đó, điểm mới trong phương án này là có thêm 2 ngành chương trình chất lượng cao, gồm Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Hội đồng trường này đã thông qua chủ trương, trường đang làm thủ tục mở thêm 2 ngành Luật, Truyền thông.

Trường ĐH Công nghiệp TP HCM dự kiến tuyển sinh thêm một số chuyên ngành mới như: Robot và Hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý Đô thị thông minh và bền vững, Kỹ thuật Hóa phân tích...

Trường ĐH Công nghệ TP HCM cũng dự kiến bổ sung nhiều ngành mới tập trung vào nhóm công nghệ thông tin, quản trị nhân lực.

Trường ĐH Gia Định dự kiến mở thêm 5 ngành học mới, qua đó tạo cơ hội lựa chọn ngành học yêu thích nhiều hơn cho thí sinh. 5 ngành học mới gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng (Truyền thông kỹ thuật số).

Những thí sinh quan tâm tới khối ngành sức khỏe có thể tham khảo Trường ĐH Văn Lang khi năm nay, trường dự kiến mở thêm hai ngành là Y đa khoa, Y học cổ truyền. Cùng với các ngành hiện đã có là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, tổng cộng trường đào tạo 6 ngành thuộc khối sức khỏe trong tổng số 50 ngành đào tạo của nhà trường.

Những ngành học dự kiến thu hút thí sinh trong tương lai như: Bất động sản; Tài chính quốc tế; Báo chí; Tâm lý học và Thiết kế đồ họa được Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM dự kiến mở trong năm nay.

Cẩn trọng trong đăng ký nguyện vọng

Năm 2021, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này được thực hiện thuận lợi, không hề tốn kém vì hầu hết thí sinh có thể đăng ký thay đổi nguyện vọng qua online.

Điều này cũng giúp các thí sinh được tìm hiểu thông tin kỹ hơn, định hướng ngành nghề tốt hơn và có cơ hội được điều chỉnh nguyện vọng theo mong muốn của bản thân. Khi thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, các trường cũng có nhiều cơ hội để đạt chỉ tiêu tuyển sinh của mình.

Điểm mới năm 2021 là Bộ sẽ đưa việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH của thí sinh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, vì có thời gian cân nhắc trước khi đặt bút điền nguyện vọng lần đầu nên các chuyên gia cảnh báo, thí sinh cần phân tích rõ định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân. Việc chọn một trường ĐH top đầu chỉ đảm bảo về chất lượng đào tạo và đôi khi, nó thể hiện xu hướng ngành ưu thế trong thời gian hiện tại.

Ngoài ra, nó không đảm bảo cho sự thành công của người học hay không. Ngay cả những ngành học mới mở là xu thế của xã hội hiện nay mà các trường cập nhật nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sau 4, 5 năm nữa, ngành đó vẫn/đang/sẽ “hot”.

Hàng ngàn sinh viên thất nghiệp mỗi năm và kể cả trong phần may mắn có việc, có tới 60% làm trái ngành, hoặc công việc không đảm bảo nuôi sống bản thân ở những thành phố đắt đỏ. Không khó để tìm thấy một cựu sinh viên trường ĐH top đầu đang làm thuê ở những nhà máy, xí nghiệp, lãng phí tấm bằng cử nhân và bốn năm đại học - bốn năm tuổi trẻ.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT, một người trăn trở với câu chuyện tuyển sinh ĐH hàng năm cho rằng quyền của nhà trường là mở ngành, còn quyền của thí sinh là chọn ngành. Đừng chọn ngành học theo thời thượng, theo ý kiến người khác mà hãy tìm hiểu và lắng nghe lựa chọn của bản thân để tìm được con đường phù hợp. Bởi nếu chọn sai ngành, điều này bi kịch hơn việc không học/trượt ĐH rất nhiều.


Nguồn: VTC