Nới “room” tín dụng đón đầu cầu vốn cuối năm

 Room tín dụng, một công cụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng để khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn lạm phát cao, đã được NHNN vừa nới thêm cho 6 tháng cuối năm.

Nới “room” tín dụng đón đầu cầu vốn cuối năm

Không đáng kể?

Thống đốc NHNN vừa có văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho một số NHTMCP và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, VietinBank, Vietcombank được nới lên 16%; SeaBank, TPBank lên 35%; Techcombank và LienVietPostBank 30%; VPBank 18%; Nam A Bank 25%; SHB 15%; VIB 20%; BaoVietBank 36%; BIDC Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh TP. HCM cùng 30%; Taipei Fubon chi nhánh Bình Dương là 20%; NCB 24%; Co-opBank 20%; Standard Chartered Việt Nam 30% và Ngân hàng Korea Exchange Bank Chi nhánh Hà Nội được lên 35%.

Theo lãnh đạo các nhà băng, sở dĩ ngân hàng xin tăng “room”tín dụng là do hoạt động cho vay những tháng đầu năm khả quan. 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt trên 6% so với cuối năm trước. Dự kiến, đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13-15%.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu này lên 17% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, các NHTMCP đã xin tăng room để có thêm dư địa cho vay trong nửa cuối năm, nhất là vào quý IV/2015 và trong số đó có ngân hàng được tăng lên 35% một năm.

Thế nhưng, theo lãnh đạo một số nhà băng, tỷ lệ room được nới lên ở mức trên cũng chưa phải là quá cao. Bởi ở những ngân hàng quy mô nhỏ, tổng số dư nợ tuyệt đối còn ở mức khiêm tốn thì dù có tăng thêm vài chục phần trăm room tín dụng cũng không đáng kể.

Chẳng hạn tại Nam A Bank, đến hết quý I/2015, Ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 5,29% với dư nợ cho vay khách hàng 16.538 tỷ đồng. Như vậy, việc Nam A Bank được nới room tăng trưởng tín dụng lên 25% cũng chỉ đủ dưa địa để mở rộng cho vay trong nửa cuối năm còn lại khi theo quy luật nhu cầu vốn thường tăng mạnh.

Theo bà Lương Cẩm Tú, Tổng giám đốc Nam A Bank, cầu vốn của khách hàng, nhất là cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà đang gia tăng khi lãi suất giảm.

Chiến lược của Nam A Bank từng bước đẩy mạnh phân khúc khách hàng có nhu cầu vốn nhỏ lẻ, chú trọng đến cho vay mua nhà. Mặt khác, theo bà Tú, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu cũng dần hồi phục nên nhu cầu vốn sẽ còn tăng, nhất là dịp cuối năm. Đó cũng là lý do Nam A Bank xin tăng “room” tín dụng để cho vay.

Còn với TPBank, theo báo cáo tài chính vừa được ngân hàng này đưa ra, đến ngày 30/6, tổng tài sản của TPBank đạt gần 52.000 tỷ đồng. Huy động vốn ở thị trường 1 và dư nợ cho vay tổ chức, cá nhân tăng trưởng trên 10% so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu 0,96%.

Đại diện nhà băng cho biết, TPBank áp dụng tiêu chí phân loại nợ khắt khe hơn theo quy định mới của NHNN từ tháng 4/2015 nên nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Đó cũng chính là cơ sở để được nới “room” tăng trưởng tín dụng lên 35%. Mặt khác, con số dư nợ tuyệt đối của TPBank hiện nay cũng còn ở mức khiêm tốn nên TPBank kỳ vọng cho vay khách hàng sẽ tăng trưởng tới 78% cho năm 2015, với dư nợ tăng từ chưa đến 20.000 tỷ đồng lên trên 35.000 tỷ đồng. Năm 2014, tín dụng TPBank cũng tăng trưởng hơn 66%, nợ xấu được kiểm soát 1,97%.

Mặc dù những ngân hàng nhỏ cho rằng, room tín dụng được tăng lên vài chục phần trăm là không đáng kể, song ở chiều hướng ngược lại, một số nhà băng đã có tỷ lệ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nay cũng xin được nới “room” tín dụng lên mức đáng kể.

LienVietPostBank với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 được chấp thuận đầu năm là 13% (tương đương 55.188 tỷ đồng) và giờ đây đã lên mức 30%. Lý do chính là việc thực hiện chính sách tam nông của Chính phủ nên dư nợ của LienVietPostBank dự kiến sẽ vượt mức, lên tới 82.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo, Ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng tới 16,2% trong quý đầu năm nay 2015, với dư nợ cho vay khách hàng 47.961 tỷ đồng và nhà băng này cũng vừa được NHNN cho tăng “room” tín dụng lên 30%. Nhưng điều đáng quan tâm là dự phòng rủi ro của LienVietPostBank trong quý đầu năm nay ở mức 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước nhà băng này không phải trích lập. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý I/2015 còn 115 tỷ đồng, giảm 37,7% so cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 32,2% xuống 109 tỷ đồng.

Năm 2015, ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 936 tỷ đồng, tăng 75% so với năm trước.

Room tín dụng có còn cần thiết?

Không chỉ với LienVietPostBank, đặc thù của hầu hết ngân hàng Việt Nam là tín dụng đóng góp tỷ trọng chính cho lợi nhuận năm. Đẩy tín dụng đồng nghĩa với cơ hội tăng lợi nhuận, dù mặt trái của việc này là nợ xấu cũng có khả năng tăng theo.

Vì vậy, không phải không có lý do khi đi kèm với quyết định nới room tăng trưởng dư nợ cho một loạt ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện việc cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2015.

Song song đó, các nhà băng cần mở rộng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, giám sát chặt chẽ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài…).

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng nêu trên xây dựng và cam kết thực hiện các giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Vụ Chính sách tiền tệ trước ngày 31/7/2015.

Trước một số ý kiến cho rằng room tín dụng không còn cần thiết trong giai đoạn kinh tế ổn định, cơ quan quản lý nên tập trung giám sát chất lượng hơn là số lượng, NHNN vẫn duy trì quan điểm room tín dụng là cần duy trì.

Điều này cũng nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia. Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính – ngân hàng Đại học Mở TP. HCM, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, nhưng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, trong khi nợ xấu chưa giảm. Vì thế, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng nởi lỏng thận trọng.

TS. Thuận cũng cho rằng, so với 3 năm trước, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song với các doanh nghiệp trước tình hình khó khăn của thị trường hiện nay, họ luôn ưu tiên việc “thắt lưng, buộc bụng” và chủ yếu dùng nguồn vốn tự có sản xuất - kinh doanh, thay vì sử dụng vốn vay nhiều như trước đây. Một phần, do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng còn trì tệ, do sức mua của thị trường vẫn yếu, tồn kho tăng nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

“Do vậy, NHNN đang nới lỏng tín dụng để doanh nghiệp có thể dễ dàng vay vốn và giải quyết bài toán thanh khoản, song sức mua còn yếu nên tín dụng tăng phải thận trọng rủi ro nợ xấu”, TS. Thuận cho biết.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán